Trăng lên quá đầu rặng thông, hơi rượu đã thấm lòng, nhà thi sĩ già ngỏ tâm sự với một chàng trẻ tuổi ngồi đối diện:
- Tôi phải nói thật rằng tôi tiếp anh đây không phải vì ngày trước thầy anh là bạn đồng liêu của tôi và tôi coi anh như con cháu đâu. Nhưng mà vì anh cũng theo đuổi văn thơ, muốn làm thi sĩ. Nếu không thì tôi đã mời anh xuống đồi hồi chiều như những người khác đến thăm tôi.
Con người khác với thú vật ở cái chỗ biết làm thơ anh ạ. Tôi còn nhớ mãi câu nói của thầy anh trong một bữa đối ẩm như hôm nay. Nếu không phải là thi sĩ thì có khi người ta có cái cảm giác thình lình trở nên một con vật, vì không có những phương cách để diễn tả lòng mình ra. Cho nên từ buổi từ quan về sống ở đây tôi không muốn đi lại với những con vật câm ấy. Người ta cho tôi là kiêu kỳ và ghét tôi, nhưng ở trên họ, tôi kể gì đến dư luận tuế toái của thiên hạ.
Đôi mắt long lanh của nhà thi sĩ già đã hơi hơi lờ đờ vì hơi men bốc lên. Những lời nói của ông càng thao thao như nguồn thơ tuôn tràn trong cơn cảm hứng:
- Anh có công lần mò lên đây để nói chuyện thơ và hỏi tôi về Lý Bạch? Đời Lý, tôi thích nhất ở chỗ:
Lý Bạch nhất đẩu thi bách thiên,
Tràng An thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
Uống một đấu rượu, làm trăm bài thơ, say ngủ tại quán rượu, vua đòi không tới và tự xưng rằng mình là một bậc tiên rượu. Sống như thế, coi cuộc đời như giấc chiêm bao, say cả ngày lẫn đêm - xử thế đại nhược mộng, hồ vi lao kỳ sinh, sở dĩ chung nhật túy - cái chết của Lý cũng vì thơ với rượu. Một bậc hào hoa như thế, ôm trăng mà chết là phải lắm.
Bình sinh Lý vẫn cho mình là trích tiên, sau khi chết, những đêm trăng sáng, thi sĩ hiện lên trên một chiếc thuyền nguy nga đề hai chữ "Thi Bá" qua lại ở dòng sông mà Lý đã chìm theo bóng trăng đáy nước. Những nho sĩ quanh vùng đều thất kinh lập ngay đền thờ một bên sông. Một hôm có một văn nhân say rượu đi ngang thấy thuyền Thi Bá hiện lên liền ứng khẩu hỏi:
Hà nhân giang thượng xưng thi bá?
Cẩm tú văn chương tá nhất quan?1
Thì trong thuyền có tiếng trả lời:
Dạ tỉnh bất kham đề tuyệt cú,
Chỉ kinh tinh đẩu lạc giang hàn.
Đêm vắng không ngâm thơ vì sợ sao rơi, cái khẩu khí của Lý Bạch làm cho văn nhân thất kinh tỉnh rượu lủi đi mất.
Nhà thi sĩ già nói chuyện trên đây, ngày xưa là một vị quan thân ở triều đình Huế. Ông đỗ Cử nhân, làm đến chức Tham tri, gần tới Thượng thư, nhưng thình lình, trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng liêu, ông từ quan về sống giữa cái đồn điền chè sau núi Thiên Thai với một người vợ bệnh tật sắp chết, một người lão bộc câm và một người đầu bếp đã làm lý thiện nấu ăn trong cung nội.
Linh nhớ lại lúc ban chiều còn bỡ ngỡ lên con đường dốc đưa vào nếp nhà cổ kính, uy nghiêm của ông bạn với thầy mình, và bây giờ chàng đã trở nên thân mật với con người rất khó tính kia.
Tiệc rượu tàn, nhà thi sĩ già vào phòng trong để Linh nằm nghỉ ở liêu trai, giữa một biệt thự nề nếp làm theo kiến trúc ngày xưa. Cách trang hoàng có một vẻ quý phái cổ điển; hình như thuở còn đương chức ở Triều đình ông đã nghĩ đến những ngày sau này, lựa một chốn u nghiêm ở trên một cái đồi gần gũi những lăng tẩm đế vương.
Linh ngủ trên một cái sập gỗ chạm cẩn xa cừ, gần một cái cửa gương lớn trông xuống đồi chè, nương sắn và rừng thông. Hơi rượu thấm đượm, thứ rượu nếp uống mềm môi quên cả say, Linh mê man đi và tỉnh giấc vào quãng khuya. Trăng sáng qua cửa gương tuôn chẩy lên khắp người chàng một sự dịu dàng mơn man. Hương men tan, thấy khát, Linh dậy châm nến, rót nước uống một ly nước lạnh đựng trong một chiếc bình cổ. Nước mát ngọt thấm dịu cả lòng sau cơn say. Chàng phụt tắt nến, nhìn ra vườn trăng, bỗng rợn người lên, vì chợt thấy một người đàn bà ở sau cửa gương đang ngắm mình. Một hình ảnh lãng đãng như làm bằng sương khói, mong manh, huyền ảo dưới trăng xanh.
Linh vụt nghĩ đến chuyện hồ ly tinh hiện thành người để trêu cợt văn nhân. Chàng đứng lặng trong bóng tối nhìn ra. Cái hình ảnh mơ hồ cũng vẫn yên một chỗ, để lộ nửa thân hình trên cửa. Vừa kinh dị và bị kích thích, Linh nhảy đến mở cửa gương ra, nhìn xuống vườn nhưng không thấy bóng một ai. Gió đêm mát rượi rung động những lá cây lấp lánh trăng. Một luồng rờn rợn thấm qua da thịt. Linh vội khép hai cánh cửa gương lớn. Nhưng chàng vừa bước vào sập và nhìn ra lại thấy người đàn bà mơ hồ tinh quái hiện ra sau cửa. ánh trăng phủ lên da thịt nàng một mầu sắc chiêm bao, làn áo trắng choàng lấy thân người mảnh mai càng tăng thêm vẻ gần gũi mà xa xôi của con người lạ lùng. Linh thu hết can đảm, lại mở cửa ra nhưng lần này chàng cũng không thấy hình dạng một ai dưới trăng. Muốn tránh khỏi bị phá rối nữa, chàng đóng ngay cửa gỗ ở phía ngoài lại, rồi khép thêm lần cửa gương. Linh trở vào nằm nghĩ lan man, ngờ vực, băn khoăn. Tuy sợ nhưng chàng thấy một cảm mến thơ mộng đối với người đàn bà kỳ ảo hiện ra dưới trăng để trêu ghẹo mình. Linh muốn mở cửa ra để xem nàng có hiện đến nữa chăng, nhưng lòng ngờ ngợ có nên nằm im rồi ngủ thiếp đi.
Linh tỉnh dậy trong tiếng chim kêu và nắng vàng ban mai nhuộm rực rỡ các đồi cây xanh. Chàng khoan khoái chạy ra khỏi nhà, hít mạnh không khí mát mẻ và, trong một lúc, quên người đàn bà ẩn hiện đêm qua. Trọn buổi sáng, chàng đi thơ thẩn, để tóc bay dưới nắng, qua các đồi, vào rừng thông, nằm nghiêng mình trên một dòng suối con trong suốt đáy. Hình ảnh của chàng hiện trên mặt nước nhắc đến bóng người lãng đãng dưới trăng. Linh đưa hai tay vốc nước uống và hình ảnh chàng biến tan rồi hiện lại như sự ẩn hiện kỳ lạ của người đàn bà tinh quái đến trêu ghẹo chàng giữa đêm khuya. Sự vụt hiện, vụt biến của người sau cửa gương tắm trăng khiến Linh nghĩ lại tưởng chừng như mình đã thấy trong mơ. Có thể có một sự hiện hình của yêu tinh chăng? Nhớ tới đêm qua, lòng chàng ngờ ngợ không nhất quyết tự trả lời minh bạch được. Nếu có một người đàn bà thật tinh nghịch đến trêu mình thì cũng không thể vụt hiện, vụt biến một cách dễ dàng như thế? Linh đi quanh vòng không thấy có nhà cửa ai, ngoài túp lều tranh xa cách của mấy người dân làm việc ở đồn điền và một cái mộ của vợ chủ nhân cái biệt thự.
Bóng tối lại trong lớp nhà cổ kính và Linh đã bắt đầu cảm thấy một sự bí mật kỳ ảo bao trùm lấy mình. Nhà thi sĩ già vẫn uống rượu nhiều và nói chuyện thơ cổ điển phương Đông.
- ở một cõi thanh tịnh như đây, tôi chỉ có cái thú độc nhất là rượu với thơ, và cứ trăng sáng như mấy đêm nay thì thắp đèn sáp ong, đốt trầm lên mà đọc "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh.
Lời nói như nhắc nhở Linh nghĩ đến sự trêu ghẹo yên lặng của người đàn bà dưới trăng. Chàng ngập ngừng tính đem việc ấy ra nói cùng chủ nhân nhưng lại thôi, để lắng nghe những lời đang nói say sưa của ông:
- "Liêu trai chí dị" là một áng kỳ thơ độc nhất vô nhị của á Đông. Cái sức mạnh tưởng tượng của tác giả kỳ ảo, quái dị mà thi vị, thâm thúy, trừ phi một hồn thi sĩ lạ lùng như người thì chẳng mấy ai có được. Có người cho rằng bộ "Liêu trai chí dị" là dâm thư nhưng phẩm bình như thế thì hồ đồ và hẹp hòi quá. Phải hiểu cái cốt cách thuần túy, huyền hoặc rồi khi ấy ta mới thấu nhận về đặc sắc, tuyệt diệu của áng kỳ thơ.
Nhà thi sĩ già đem sách ra lựa đọc mấy chuyện ma mà ông thích thú nhất rồi cáo về phòng nghỉ. Linh ngồi một mình yên lặng hút thuốc trong không khí thoang thoảng hương trầm. Chàng chờ đợi người đêm qua hiện tới. Tâm trí chàng đang mơ màng đến những lẽ huyền bí xa xôi, thì cùng một lúc với ánh trăng len lén tràn vào phòng, sau làn khói thuốc mờ Linh thấy hiện ra người đàn bà kỳ ảo, yên lặng sau cửa gương. Linh chợt rợn người lên nhưng bình tĩnh được liền, và ngồi yên để xem sự thể đi đến đâu. Chàng thu hết nhỡn tuyến nhìn hình ảnh vừa hiển hiện. Đó là một người như thực như hư, thanh thoát, tế nhị tắm trong màu trăng xanh huyền hoặc. Đôi mắt sâu xa và buồn rầu trên một khuôn mặt trắng nhợt nhạt như cẩm thạch. Nửa thân hình lộ sau cửa gương vẫn mặc chiếc áo lụa bạch đêm qua. Người đàn bà ấy đẹp một vẻ vừa thiên tiên vừa yêu tinh trong khung cảnh ảo huyền. Và nàng cứ lặng yên như thế, đăm đăm nhìn Linh. Chàng sợ mở cửa ra thì nàng lại biến như lần trước nên cứ ngồi lặng, ngại ngùng, rung động trước nhan sắc.
Một đêm trăng, một người đàn bà đẹp tự đâu hiện đến, tưởng chỉ có ở thời thái bình, cổ sơ, hay trong cảnh tưởng tượng của nhà thơ kỳ lạ mà thôi. Nhưng đây, ở trước mắt Linh, nàng đang lẳng lặng và huyền hồ như trăng xanh. Người đàn bà yêu tinh đã đến với chàng, và chỉ cách nhau có một lần cửa gương thôi. Linh có thể mời nàng vào và cầm lấy đôi tay dịu dàng của con người xinh đẹp, rồi thì việc có thể xảy ra như trong các chuyện lạ lùng, quái ảo Linh đã đọc, người đắm đuối khoái trá trong lòng yêu tinh.
Thế rồi Linh se sẽ nói dịu dàng:
- Em đã có lòng nghĩ đến, xin rước em vào đây trò chuyện.
Nàng vẫn yên lặng nhìn Linh không chớp.
- Hay là em cho phép tôi ra đưa em đi chơi dưới trăng.
Nói xong Linh vừa đứng dậy, đến mở cửa gương, gần như sát vào người nàng ở ngoài. Nhưng chàng rất đỗi kinh ngạc khi hai cánh cửa vừa mở toang thì không tìm thấy nàng đâu nữa. Linh trèo qua cửa sổ nhảy xuống vườn, chạy kiếm chung quanh cũng chẳng thấy tăm dạng. Cảnh đồi rừng trắng xóa dưới trăng tự nhiên đối với chàng nhuốm một vẻ huyền hoặc lạ thường. Tiếng nước suối chảy róc rách ở đồi bên như tiếng cười lanh lảnh của ai. Trăng xanh bát ngát rộng rinh.
Linh trở về phòng, để cửa gương mở rộng chờ người đàn bà kỳ ảo hiện đến là nhảy xổ ra nắm lấy tay. Chàng đã bị khiêu khích đến tức giận. Nhưng mà rồi Linh liệu có thể ôm lấy con người xinh đẹp vụt hiện, vụt biến đi không? Trăng sáng tỏ rõ soi vào chỗ Linh đứng trắng như hơi sương xuống ban mai. Chàng rùng mình, không rõ vì hơi lạnh của đêm khuya hay vì nhớ đến người đàn bà quái dị. Xa xa có tiếng gà gáy, tưởng lầm trăng sáng là vừng đông. Linh nghĩ rằng những cô hồn vất vưởng, những yêu tinh phải trở về cõi âm trước kẻo sợ trời sáng rồi chàng khép cửa ngoài lại, không để cho trăng tràn vào nữa, khiến nao nao trong người.
Sáng ngày ra, trong một lúc dạo chơi ngoài hiên, Linh thấy có một chậu hoa mẫu đơn để ở góc vắng, tự nhiên chàng liên tưởng đến câu chuyện trong "Liêu trai chí dị", linh hồn một cây hoa mẫu đơn lâu năm tu luyện hóa thành người đẹp sống với văn nhân. Linh có ý muốn đưa chậu hoa về phòng mình để thực nghiệm xem sao. Biết đâu người đàn bà trong trăng không phải là hiện thân của thứ hoa kiều diễm ấy. Linh lựa lời thân hỏi chủ nhân:
- Thưa bác, người xưa thường uống rượu ngắm hoa, bác thì chỉ uống rượu mà thôi, còn chậu hoa xinh đẹp kia lại cô độc ở ngoài.
Nhà thi sĩ già sờ lên mái tóc đã bạc lơ thơ trên vầng trán mênh mông, ngậm ngùi nói:
- Tuổi tác như tôi mà còn ngồi uống rượu trước hoa mẫu đơn thì là một sự quá lạm. Như Lưu Vũ Tích đời Đường, tôi chỉ sợ hoa kia biết nói sẽ nói rằng: Hoa mẫu đơn nở có phải vì bậc tuổi cao đâu? Chỉ tuổi trẻ như anh thì nên chơi, anh thích tôi sai mang vào để gần chỗ ngủ cho có bạn.
Đêm đến, sau bữa rượu thường lệ, nhà thi sĩ già sai người lão bộc đốt trầm lên rồi mang cây đàn bầu ra.
- Đã lâu tôi không đàn, hôm nay cao hứng tôi gảy cho anh nghe vài điệu. Cây đàn này làm bằng gỗ quan tài, tiếng kêu rất thanh và ấm, hồi còn làm quan tôi phải nài nỉ mới mua lại được của thầy Tôn út. Lão ta hết sức tiếc, vì theo lời lão thì cây đàn lâu đời bằng thứ gỗ đặc biệt ấy đem ra gảy ở bãi tha ma có thể gọi âm hồn về nghe.
Kể qua lịch sử cây đàn, nhà thi sĩ già bàn đến âm nhạc. Hồi còn đang tuổi phong tình, ông vẫn thường soạn những bài Nam bình, Nam ai cho đám ca nữ đêm đêm với giọng u trầm, đài các của tiếng Huế than vãn trên dòng sông Hương.
Thế rồi điệu Nam bình não nùng, ai oán vang động lên dưới tay nhà nhạc sĩ già rung rinh cả yên lặng. Dây tơ nhấn mạnh nức nở tuôn ra những giọt lệ âm thanh, trong suốt và nong nóng thấm đượm cả lòng người. Linh ngồi nghe sững sờ theo tiếng đàn tưởng có thể làm cho quỷ khóc. Bản Nam ai trổi theo, tha thiết hơn khiến chàng rưng rưng cả toàn thân. Điệu nhạc thổi một luồng ớn lạnh vào trong lòng chàng, nhà thi sĩ già mê man gảy tưởng chừng đứt dây tơ đồng. Và khi ngừng tay, chờ cho những sóng âm thanh bớt run rẩy trong không khí, ông nói:
- Về cây đàn bầu, người sành âm nhạc vẫn có một sự tin tưởng huyền hoặc là ai đã chơi nó hay thì cũng như mang một nghiệp dĩ vào thân. Nó là một thứ âm nhạc di lụy cho người chơi. Tôi không tin nhưng mà hồi mua cây đàn này về ít lâu, gảy đã được nhà danh cầm đế đô khen, thì nhà tôi qua đời, thành thử tôi cũng đâm ra ngờ ngợ.
Trăng lên đã cao, còn lại một mình, Linh lặng nhìn cây hoa mẫu đơn, trầm ngâm lạc lối trong những lẽ u huyền. Kiếp trước hoa là thiếu nữ và thật có một sự phục vãn trong kiếp luân hồi, hồn hoa lại hiện thành thiếu nữ chăng? Nhưng có phải người đàn bà đã hiện ra yên lặng trêu tức mình là hiện thân của hoa mẫu đơn? Trong khi Linh đang mơ màng thì trăng đã chênh chếch dọi vào. Và kỳ diệu thay, cùng với ánh trăng chảy vào phòng, người đàn bà hiện tới, như tượng trưng thuần túy của trăng xanh. Nàng có một thứ nhan sắc huyền ảo mà càng nhìn Linh càng thấy mơ hồ, nét mặt chập chờn như sương, thân hình như khói, hình như kết đọng bằng ánh trăng thủy tinh, có thể nhìn suốt qua người. Linh mải phân tích mê hoặc đắm hồn vào trong cái hình ảnh bích ngọc, xanh xao như trăng chiêm bao. Chàng đã gần như bị quyến rũ, rung rinh trước vẻ đẹp tế nhị có sức mạnh thấm thía như mùi hương bay lẻn vào hồn. Trong giây phút khoái trá, linh hồn bị cám dỗ, Linh cảm thấy chẳng những mình không rùng rợn mà trái lại còn thích thảng, say sưa.
Người đàn bà vẫn lặng yên, không một cử động se sẽ, không một lời nói nhếch đôi môi, không một chớp mắt, và nhìn Linh như thấu suốt tận đáy hồn. Linh bỗng rợn người lên hình như mình đã bắt đầu yêu con tinh. Người đàn bà uyển lãng, kiều lệ ấy chỉ có thể là một con tinh! Nghĩ sực đến những chuyện yêu tinh mê hoặc người để hút hết tinh khí, Linh bàng hoàng, hãi hùng, muốn vụt dậy chạy. Nhưng đôi mắt đen biếc, thăm thẳm vẫn nhìn như dán vào người Linh, giữ chàng ngồi yên một chỗ. Chàng đã trở nên như người bị thôi miên bởi nhan sắc huyền hoặc.
Trăng mỗi lúc càng sáng tỏ thêm lên và xa xa thấp thoáng tiếng gà gáy. Linh mừng thầm sắp thoát khỏi cái nhìn yên lặng ghê gớm của người đàn bà yêu tinh. ánh trăng chảy vào tràn khắp phòng, Linh ngồi như dính chặt trên chiếc ghế bành đối diện với cái hình ảnh kỳ ảo sau cửa gương. Tiếng gà theo nhau gáy từ xa vang lại, nhưng trong trăng sáng người đàn bà vẫn yên lặng, trước mặt Linh, không nhúc nhích, không nói năng, và chỉ nhìn chàng với đôi mắt ghê gớm như đôi mắt rắn thôi miên lấy chàng. Thời gian tưởng chừng như đứng lại, mạch máu trong người Linh băng giá cho đến khi chàng nghẹn ngào, se sẽ nói:
- Tôi xin hỏi nàng, yêu tinh hay là oan hồn, từ đâu lại và muốn điều chi thì hãy nói cho tôi biết.
Nhưng người đàn bà vẫn lạnh lùng như một hình ảnh chết và cứ đăm đăm nhìn Linh.
- Nàng vẫn nhất quyết lặng yên? Thì hãy ở đấy mà đợi mặt trời lên.
Sau câu nói văng vẳng của Linh người đàn bà cũng vẫn im lặng như một cái bóng trong trăng. Linh nhắm mắt lại để tránh khỏi cái nhìn ghê rợn của yêu tinh rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Khi chàng giật mình mở mắt ra thì ánh trăng đã đi hết khỏi phòng và người đàn bà quái ảo sau cửa gương cũng đã biến đi. Linh ngả mình trên sập mê man.
Chàng thấy người đàn bà trong trăng lại hiện ra mở tung cửa gương vào, thướt tha bước đến ôm ghì lấy mình. Linh sờ vào người nàng thì cảm giác nhẹ mỏng dị thường. Nàng lôi cuốn Linh vào một cuộc ái ân sôi nổi rồi hút cạn tinh túy của chàng.
Linh hoảng hốt tỉnh giấc mơ, thấy mặt trời đã lên cao. Chàng còn bàng hoàng mê tỉnh, và đưa mắt nhìn đến cửa gương thì lại thấy thoáng bóng người đàn bà, nhưng rất mơ hồ, xa xôi. Linh dụi mắt và rất đỗi kinh ngạc khi đến gần nhận thấy rằng người đàn bà hiện ra ở trên mặt thủy tinh.
Trong lúc ấy, nhà thi sĩ già đi đến, nhìn vẻ mặt sửng sốt, bơ phờ của Linh trước cửa gương rồi nói:
- Tôi xin giới thiệu đó là hình ảnh nhà tôi,
Trước sự ngạc nhiên của Linh, ông thong thả kể:
- Trước đây nhà tôi mắc bệnh bại đang thời kỳ còn xinh đẹp, về đây hơn hai mươi năm trời, ngày ngày ngồi trên chiếc ghế bành đặt trước cửa gương, nhìn xuống đồi ngong ngóng chờ tôi về. Thuở ấy tôi mải ham mê theo những người đàn bà khác, ít khi nghĩ đến người vợ cần đến sự thương yêu của mình. Tôi chỉ hối lại khi nhà tôi đã có phần yếu, tôi liền từ chức về đây, nhưng chẳng được bao lâu thì nhà tôi qua đời. Khi đã biết yêu thương thì đã chậm lắm rồi, tôi chỉ còn trong lòng một hình ảnh in trên mặt gương này mà thôi.
Nhà thi sĩ già nói xong rồi ngậm ngùi lui vào phòng trong. Linh bắt đầu hiểu rành mạch những việc đã xảy đến cho mình.
Người vợ kiều diễm của nhà thi sĩ ngồi in bóng vào cửa gương lâu năm, những chất lân tinh trên mặt thủy tinh phản chiếu ánh sáng dần dần thấm in lấy hình ảnh. Trăng xanh huyền hoặc dội qua mặt gương làm nổi cái hình ảnh người thiếu phụ lên. Linh đã ảo tưởng đó là một nàng yêu tinh hiện ra sau cửa. Chàng nhớ lại cứ mỗi lần mở cửa gương ra thì hình ảnh vụt biến mất rồi hiện ra khi đóng lại. Linh không ngờ hình ảnh ở trên mặt thủy tinh trong suốt, trí tưởng tượng mới bị xúc động đến cực điểm và trong trường hợp ấy, chàng đã lầm lạc vì ảo ảnh.
Sau cùng, Linh thấy người đàn bà kỳ ảo hiện ra ân ái với mình trong giấc mơ vì não cân đã bị kích thích dữ dội.
• LIÊN HỆ HỖ TRỢ ONLINE
Phone: [Sms]
Promaster@Gmail.Com